“Một kg rong mứt đổi hàng trăm ngàn giọt mồ hôi”. Có vất vả theo chân những người hái rong mứt men theo những ghềnh đá trơn tuột, quần áo ướt sũng vì sóng và những cú ngã dúi dụi, bị hàu cứa rát bỏng tay, tôi mới thực sự cảm nhận được câu nói ấy
Từ khoảng tháng 9 đến cuối tháng 12 âm lịch, khi những đợt gió mùa Đông Bắc mang không khí lạnh tràn qua duyên hải miền Trung, đem theo những trận mưa lũ kéo dài làm cho nước biển bớt đi độ mặn chính là lúc cây mứt biển (rong mứt Porphyra thuộc ngành rong đỏ biển) phát triển mạnh mẽ, mọc thành từng cụm phủ dày trên các khe, ghềnh đá ở các rạng đá Ngầm, bãi Rạng
Thật lạ là rong mứt lại chỉ có ở những nơi nào có sóng phủ đầu, đá càng trơn, chênh vênh thì rong mứt lại càng mọc nhiều. Người làm nghề phải theo con nước ròng, nghĩa là từ sáng sớm, khi thủy triều xuống, những vạt mứt non màu nâu nhạt mềm mại như những vạt cỏ thảo nguyên, óng ánh dưới ánh nắng mặt trời phơi ra trên các gành đá, đó là lúc người ăn mứt phải ra biển.
Công cụ của nghề chỉ là dao, đĩa cạo bằng sắt tròn, rổ và một ít tro bếp cho khỏi trơn. Lúc hái rong mứt người phải trụ vững, chân bíu chặt vào mặt đá trơn tuột, tay nhanh nhẹn cậy, bứng mứt mà mắt phải dõi ra biển canh chừng con sóng. Nếu sơ sẩy, hay ham hái mứt mà gặp lúc sóng lớn, bất ngờ sẽ bị trượt chân, ngã xuống biển ngay.